Tuyến đường Vành đai 2 Thủ Đức có ý nghĩa rất quan trọng đối với quy hoạch giao thông TP.HCM. Theo tính toán, sẽ hạn chế được một lượng lớn phương tiện vận tải đi vào trung tâm thành phố. Qua đó, sẽ giảm thiểu được tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông do xe tải trọng lớn gây ra. Đường Vành đai 2 TPHCM dài hơn 64,1 km, đến nay đầu tư hoàn thành 50,2 km, còn 14 km chia làm 4 đoạn chưa hoàn thành. Trong đó, đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (Thành phố Thủ Đức) dài 2,75 km đang triển khai xây dựng với tổng đầu tư 2.765 tỉ đồng, trong đó bồi thường mặt bằng là 1.821 tỉ đồng. Ba đoạn còn lại với tổng chiều dài 11 km đến nay chưa được đầu tư xây dựng để khép kín đường Vành đai 2. Đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội tại nút giao Bình Thái (Thành phố Thủ Đức), dài 3,5 km, rộng 67 m, tổng vốn dự kiến gần 8.600 tỉ đồng. Trong đó, chí phí xây dựng 1.660 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 6.400 tỉ đồng, còn lại là chi phí quản lý, tư vấn, dự phòng. Giai đoạn một, dự án làm đường song hành hai bên, mỗi bên rộng 10,5 m cho 3 làn xe. Đoạn qua ngã tư Bình Thái sẽ xây nút giao gồm: cầu vượt băng ngang Xa lộ Hà Nội; đường song hành Xa lộ Hà Nội và hầm chui; nhánh rẽ kết nối đường Đỗ Xuân Hợp. Đoạn 2 từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,8 km, rộng 67 m, tổng mức đầu tư 8.458 tỉ đồng. Chi phí xây dựng 2.281 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5.515 tỉ đồng,... Giai đoạn một, dự án làm hai nhánh đường song hành, mỗi nhánh rộng 10,5 m cho 3 làn xe. Dự án cũng xây dựng nhánh rẽ kết nối đường Đặng Văn Bi, các nhánh rẽ kết nối Xa lộ Hà Nội. Tại nút giao Phạm Văn Đồng sẽ được xây dựng nút giao. Hai đoạn này trước đây TPHCM đã có chủ trương kêu gọi đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) - hình thức hợp đồng BT và đã triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Tuy nhiên, hình thức hợp đồng BT không còn phù hợp và không được quy định trong Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 nên TPHCM chuyển sang đầu tư dự án từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Hiện TPHCM đang cân đối kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 để bố trí nguồn vốn thực hiện hai đoạn này. Đoạn 4 từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh dài 5,3 km, rộng 60 m, tổng mức đầu tư 9.240 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 2.060 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 6.580 tỉ đồng, còn lại là chi phí quản lý, tư vấn, dự phòng. Dự án làm hai nhánh đường song hành, mỗi nhánh rộng 13,5 m cho 3 làn xe. Xây dựng nút giao với quốc lộ 1 bằng cầu vượt và hầm chui. Đồng thời xây các nút giao với đường Võ Văn Kiệt, Kinh Dương Vương, Nguyễn Văn Linh bằng dạng ngã 4. Ngoài ra, dự án cũng xây dựng cầu Phú Định dài 447 m, rộng hơn 17 m cho 4 làn xe; xây cầu Ba Tơ dài 11 m, rộng 35,5 m cho 8 làn xe. Với đoạn này, trước đây TPHCM cũng có chủ trương kêu gọi đầu tư dự án theo phương thức PPP, đã có nhà đầu tư quan tâm, đề xuất đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, tính khả thi chưa cao nên chưa thể triển khai các thủ tục tiếp theo. Hiện TPHCM cũng đang cân đối kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 để bố trí nguồn vốn thực hiện đầu tư dự án. Theo Sở GTVT TPHCM, đường Vành đai 2 khép kín giúp cải thiện hạ tầng giao thông tại TPHCM, góp phần giảm ùn tắc, phát triển kinh tế và liên kết vùng. |
ToanTranVillas
Chuyên tư vấn biệt thự biệt lập HCM |